Chanh dây được biết đến với công dụng tốt cho sức khỏe từ những chất có trong ruột của quả hay ở lá, thân. Quả này còn gọi là chanh leo, chùm bao trứng, đây là một họ cây dây leo thuộc Lạc tiên. Nguồn gốc quả này từ Nam Mỹ, hiện nay chanh leo được trồng ở nhiều nơi trên thế giới.
Một số thông tin sơ lược về chanh dây
Chanh dây là loại trái có hình cầu hoặc hình bầu dục, khi xanh có màu xanh lục, chín thường có màu vàng hoặc màu đỏ tía thẫm. Trong quả có nhiều hạt, mọng nước, khi chín thường nhăn nhúm lại, bên trong màu vàng, mùi rất thơm.
Chanh dây thuộc loài dây leo nhiều năm, một nửa thân gỗ, leo giàn và dài lên tới 15m. Hoa có nó mọc dạng đơn độc, có màu trắng xen tím rất đẹp và thơm, nên không chỉ để lấy trái, còn được trồng làm cảnh. Lá có hình chân vịt, có răng cưa, kích thước từ 6-16cm.
Chanh dây được phát hiện ở đâu?
Chanh dây có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được thấy nhiều ở các nước như Brazil, Argentina. Sau đó loại quả này được trồng nhiều ở những vùng nhiệt đới thuộc Châu úc, Châu Á, Châu Phi.
Ở Việt Nam, bắt đầu xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, quả trồng nhiều ở vùng Lâm Đồng, KonTum, Gia Lai,… để lấy trái dùng, làm cảnh và che mát. Đến nay, một số tỉnh như Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang… cũng bắt đầu trồng nhiều hơn do nhu cầu thị trường tăng cao.
Đặc tính trồng của chanh dây?
Chanh dây là một loài cây không chỉ trồng lấy trái mà còn dùng để trang trí, tạo cảnh quan bóng mát cho gia đình. Hãy cùng tìm hiểu về các đặc tính khi trồng và chăm sóc loài cây này nhé.
Đặc tính sinh trưởng
Chanh dây là loại cây có sức sinh trưởng khỏe, tỷ lệ phân cành đẻ nhánh rất nhanh và nhiều, Là một loại cây dễ trồng, không kén đất, khả năng tự kháng bệnh cao, chỉ cần thời tiết ấm áp, độ ẩm hợp lý là có thể phát triển tốt.
Đất trồng cũng không kén chọn, chất dinh dưỡng thì đa dạng, tùy có theo bạn có loại nào dùng loại đó, từ phân chuồng hoai mục, cho tới phân hóa học, xơ dừa, mùn. Nếu như không có điều kiện trồng ra đất bạn cũng có thể trồng ra chậu, bao to. Tuy nhiên cần đảm bảo diện tích đủ lớn để bộ rễ được phát triển.
Chanh dây có thể trồng bằng hạt, nên dễ dàng tìm thấy hạt giống ở các cửa hàng nông phẩm. Hoặc bạn có thể chọn từ những trái già, phơi khô và lấy phần hạt đen đó làm giống. Hoặc trồng trực tiếp từ các cây con ở trại giống cho an toàn tỷ lệ sống. Tuy nhiên giai đoạn đầu cần che chắn cẩn thận do cây còn yếu.
Nhiệt độ sinh trưởng tối ưu là từ 16-30 độ C, lượng mưa đủ ẩm ướt, nên hay trồng ở những vùng nhiệt đới. Là loại cây không yêu cầu khắt khe về mức độ ánh sáng, tuy nhiên cần tạo không gian thoáng mát, sạch sẽ để hạn chế sâu bệnh.
Lưu ý khi trồng chanh dây
Do đặc tính chanh dây là cây thân bò, dây thân mềm, mọc bằng cách leo bám vào cây to, nên khi trồng muốn cây phát triển tốt, bạn cần làm giàn chắc chắn cho nó. Giàn phải cao tối thiểu từ 50-70cm, hoặc dùng hàng rào làm giàn đều được. Tuy nhiên nếu mục đích để che nắng tạo cảnh quan nữa, bạn nên làm giàn tầm 2m thì cây sẽ có không gian thoải mái phát triển hơn.
Chanh dây khi đã lên giàn thì phát triển rất mạnh cành lá xum xuê, nhưng khi tập trung cành lá thì năng suất ra quả sẽ không cao. Vì thế nếu muốn cây thu được nhiều quả, bạn cần để ý để thường xuyên cắt tỉa cành cho cây có thể ra nhiều hoa. Khi bắt đầu ra trái, cũng nên tỉa bớt các lá xung quanh, và sau một vụ cũng cần tỉa cành lá và bón thêm phân vào gốc.
Chanh dây ưa độ ẩm cao, bạn cần cung cấp lượng nước thường xuyên cho nó,trời nắng thì tối thiểu 2 lần 1 ngày vì nếu thiếu nước cây sẽ bị rụng hoa, trái tóp lại. Tuy nhiên nếu trời mưa nên hạn chế và cũng lưu ý trồng ở những nơi dễ thoát nước, không bị ngập úng, tránh cây bị bệnh.
Chanh dây có những loại nào ?
Chanh dây thích hợp trồng ở những vùng đất đỏ bazan như khu vực Tây Nguyên, Lâm Đồng và đất thịt nhẹ ở các vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ở nước ta, hiện nay có 2 loại được bà con trồng nhiều:
Chanh dây màu đỏ
Chủ yếu loại trồng nhiều ở Việt Nam thì trước kia có nguồn gốc giống nhập khẩu từ Đài Loan. Hiện nay chủ yếu lấy giống chiết ghép từ Lâm Đồng, hay còn gọi là giống Đài Nông F1, loại giống có khả năng tự thụ phấn cao và cho năng suất lớn.
Loại chanh này rất được ưa chuộng, bạn dễ dàng tìm thấy ở các chợ trái cây hay siêu thị vì tính phổ biến của nó. Chất lượng quả rất tốt, hương thơm ngon, bên trong màu vàng óng, vị thanh, hơi chua. Quả tròn đều, trung bình 8-12 trái/kg, màu sắc tím đậm, cầm khá chắc tay.
Chanh dây màu vàng
Loại chanh vàng này cũng thích hợp với đất đỏ bazan hoặc đất thịt nhẹ. Ở Việt Nam, thường trồng giống chanh dây vàng Nhật – một loại chanh có màu vàng rất đẹp mắt. Cùi khá dày, ruột vàng ánh, vị chua ngọt, to gấp đôi trái chanh leo bình thường.
Mặc dù các ưu điểm đều tương tự như giống đỏ thẫm của Đài Loan về chất lượng thịt bên trong, nhưng lại không được bà con nông dân ưa chuộng trồng. Một phần vỏ của loại chanh vàng có phần dày hơn loại đỏ nên khách hàng không ưa thích. Mặt khác do khí hậu và đất đai ở một số vùng tại Việt Nam, chanh leo giống màu đỏ trồng mang năng suất cao hơn.
Cách chế biến chanh dây
Vì công dụng của chanh leo rất tốt cho sức khỏe, mà loại trái cây nhiệt đới này được sử dụng rất nhiều, từ dùng trong giải khát cho tới làm bánh, làm sốt. Cùng mình tìm hiểu một số cách chế biến chanh dây đơn giản dưới đây.
Pha các loại nước giải khát
Với tính chua ngọt thanh mát chúng được chọn lựa như một loại thức uống giải khát đặc biệt là vào mùa hè.
- Trà chanh dây đơn giản: chỉ cần 1 gói trà túi lọc, chanh dây và đường. Sau khi trà được ngâm lấy nước, chanh leo lấy ruột và cho thêm 1 chút đường là bạn đã có một ly trà thơm ngon. Nếu không muốn dùng đường, bạn có thể thay thế bằng mật ong, để tạo vị ngọt thanh mà không sợ béo.
- Trà chanh dây trái cây: Tương tự như một cốc trà đơn giản, bạn chỉ cần mix thêm các loại trái cây tùy theo sở thích như thanh long, táo, nho… Tuy nhiên nên chọn những loại trái cây cứng, không bị nát khi khuấy.
- Kết hợp với đá bào, đá xay : Phần ruột chanh leo, bạn đem trộn cùng một chút sữa đặc. Sau đó đánh đều, rồi cho tất cả vào máy xay sinh tốt. Thế là có một ly chanh leo tuyết mát lạnh rồi.
Chanh dây dùng làm các món sốt
Nếu bạn là một người yêu thích việc nấu ăn thì các món sốt là thứ bạn không thể bỏ qua. Tính thanh mát chua nhẹ của chanh dây được nhiều người sử dụng làm sốt cho các món ăn từ chay cho tới mặn.
- Các món salad : đây là lựa chọn được ưa chuộng nhất bởi mùi vị của chanh leo khi kết hợp cùng các loại rau, củ, quả ăn tươi thật sự rất tuyệt.
- Các món mặn: Thường được dùng làm sốt ăn kèm trong các món như cá hồi hay bò áp chảo muối hồng, sốt trong món cá chẽm cùng các loại rau củ, hay trong món tôm viên thịt cho các bé, sườn non sốt chanh leo,…
Dùng cho các món ngọt
Pudding là món bánh hay sử dụng chanh, vì sự kết hợp giữa kem, sữa béo ngậy cùng sự thanh chua ngọt của chúng, khiến chiếc bánh trở nên hài hòa hơn.
Bánh mousse chanh leo cũng là một loại bánh được nhiều người lựa chọn. Là một loại bánh có phần bông lan ít hơn và rất nhiều kem, mousse được trộn từ rất nhiều loại trái cây và chocolate đánh chung với kem tươi, rồi trang trí lên mặt trên cùng. Vì thế ngoài mùi vị dễ ăn, chanh dây còn được lựa chọn vì màu sắc tươi mát.
Thạch chanh leo cho mùa hè cũng là một lựa chọn không tồi khi kết hợp giữa vị chua chua ngọt ngọt và dai dai của gelatin. Ngoài ra, vì tính mát lạnh, cũng như dễ làm, nên được các bà mẹ hay lựa chọn làm cho các bé nhà mình.
Những công dụng của chanh dây
Chanh dây chứa nhiều chất xơ, kali, beta caroten, canxi, kẽm… và một số vitamin như vitamin A, vitamin C. Đem lại nhiều tác dụng cho sức khỏe, từ việc giúp điều trị một số bệnh nó còn có ích trong việc tăng chất xơ, giúp giảm cân.
Trong đời sống hàng ngày
Trái tươi thường sử dụng dùng ăn trực tiếp hoặc dùng cho những món giải khát như nước ép chanh dây, mix cùng những loại quả khác. Ở một số nước như Brazil, Indonesia được dùng rất nhiều trong những món bánh, đặc biệt trong các món bánh tráng miệng.
Ngoài ra, còn được dùng trong chế biến các món ăn, thường dùng để làm sốt, từ món nhạt như salad cho tới các món mặn như sốt ở món cá hồi, ướp trong món cari. Một số nơi khác như Israel, Thái Lan, còn được dùng để làm rượu vang, làm thành mứt, thạch, siro. Đặc biệt, siro thường hay dùng với đá bào, một loại siro thường được dùng trong giải khát, tiện dụng hơn cả trái tươi.
Trong y học
Theo đông y, ruột của quả chanh dây có tính chua, mát, tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, có tác dụng giảm huyết áp, giảm béo, giảm đau, giúp ra tăng sự tuần hoàn máu. Rất tốt trong việc cải thiện tình trạng của những người cao huyết áp, mạch vành. Ngoài ra còn là một loại thực phẩm bổ dưỡng tăng cường khí lực cho những người suy nhược, đặc biệt là phụ nữ trong khi hành kinh.
Tại một số nơi, lá và thân của chanh leo được sử dụng trong y dược để điều chế thuốc an thần và trị chứng mất ngủ, giảm đau, hay các bệnh động kinh. Lá và thân được phơi khô sử dụng như một loại chè.
Theo tây y, còn được nghiên cứu dùng để kiểm soát các chứng bệnh hen suyễn, do vỏ chanh dây chứa chất Lycopene làm giảm khoảng 75% chứng thở khò khè của bệnh nhân và giúp tăng khả năng hít thở. Các chất như Monoamine oxidase có trong trái này, những chất giúp điều trị bệnh trầm cảm. Các giáo sư ở trường Florida đã chứng minh rằng, trong vỏ còn chứa nhiều chất chống lại ung thư.
Kết bài
Chanh dây không khó trồng, không tốn nhiều diện tích mà còn cho quả ngon và bóng mát để gia đình cùng thư giãn. Với công dụng cho sức khỏe từ những chất có trong ruột quả và từ cả lá, thân. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc tìm hiểu về loại trái cây này.